ĐIỀU TRỊ THOÁI HÓA CỘT SỐNG CỔ BẰNG VẬT LÝ TRỊ LIỆU

10/01/2019

Đa số các trường hợp bị đau cột sống cổ thường không đi thăm khám hoặc chỉ đến bác sĩ khám và uống thuốc thấy bớt đau và nghĩ rằng như thế là hết bệnh. Thực ra đó chỉ là giai đoạn đầu của bệnh lý, nếu người bệnh biết giữ tư thế tốt trong sinh hoạt hằng ngày và tập luyện đều đặn thì bệnh sẽ không nặng thêm và có thể sẽ tránh được phẫu thuật. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin về cách điều trị thoái hóa cột sống cổ bằng vật lý trị liệu.

Điều trị thoái hóa cột sống cổ bằng vật lý trị liệu

dieu-tri-thoai-hoa-cot-song-co-bang-vat-ly-tri-lieu

Điều trị thoái hóa cột sống cổ ở mức độ nhẹ, cần nghỉ ngơi, thư giãn, kết hợp liệu pháp điều trị vật lý trị liệu an toàn, tránh vật lý trị liệu thô bạo làm hư xương sụn cột sống cổ khiến bệnh thêm nặng. Ngoài ra có thể dùng thuốc giãn cơ, tăng cường thần kinh hoặc vitamin…

Điều trị vật lý trị liệu có thể tập cột sống cổ bằng vận động nhẹ nhàng từ cúi ngửa nghiêng xoay với nguyên tắcvận động làm sao không được đau thêm, không gây chóng mặt… Xoay cột sống cổ nhẹ nhàng ở góc vừa phải, xoay không làm đau thêm. Sau mỗi lần vận động cột sống cổ nên nằm nghỉ khoảng 30 phút. Người bệnh cũng có thể xoa bóp nhẹ nhàng hoặc chườm nóng, chiếu đèn hồng ngoại ở khu vực đốt sống cổ.

Các chuyên gia hướng dẫn về cách tập luyện để điều trị thoái hóa đốt sống cổ:

Bài tập 1: kéo giãn, người bệnh có thể nhờ người nhà trợ giúp: người bệnh nằm ngửa sát cạnh giường, người trợ giúp ngồi phía trên đầu giường, hai tay đặt dưới xương chẩm (phía sau gáy) nâng đỡ đầu người bệnh, đồng thời dùng một lực kéo để giãn cột sống cổ, lực kéo vuông góc với trục đứng và hướng về phía người trợ giúp, kéo ra giữ lại đến lúc nào mỏi thì giảm lực từ từ, lúc nào hết mỏi thì thực hiện tiếp 15 lần.

Lưu ý: trong lúc kéo nếu bệnh nhân than đau hay khó chịu thì dừng lại ngay.

*  Bài tập 2: người bệnh nằm ngửa, gập hông gập gối hai chân, hai bàn chân vẫn còn chạm đất, hai khuỷu tay chống xuống nệm. Người bệnh ưỡn ngực và ưỡn cổ ra sau, giữ lại, lúc nào thấy hơi khó chịu thì nghỉ. Lặp lại 15 lần.

* Bài tập 3: người bệnh nằm ngửa, hai tay buông xuôi theo thân người, gập cổ về phía chân rồi giữ lại, thấy mỏi thì nghỉ. Lặp lại 15 lần.

* Bài tập 4: người bệnh nằm ngửa, tay phải đặt phía đầu bên phải, đầu người bệnh cố gắng nghiêng qua bên phải, đồng thời tay phải dùng một lực đề kháng giữ đầu ở vị thế trung tính (đầu thẳng), thấy mỏi thì nghỉ. Lặp lại 15 lần.

* Bài tập 5: người bệnh nằm ngửa, tay trái đặt phía đầu bên trái, đầu người bệnh cố gắng nghiêng qua bên trái, đồng thời tay trái dùng một lực đề kháng giữ đầu ở vị thế trung tính (đầu thẳng), lúc nào thấy mỏi thì nghỉ. Lặp lại 15 lần.

* Bài tập 6: người bệnh ngồi dựa lưng vào ghế, tay phải hoặc tay trái đặt trên trán, người bệnh cố gắng gập cổ về phía trước, đồng thời tay phải hoặc tay trái dùng một lực đề kháng giữ đầu ở vị thế trung tính (đầu thẳng), thấy mỏi thì nghỉ. Lặp lại 15 lần.

* Bài tập 7: người bệnh ngồi dựa lưng vào ghế, tay phải đặt phía đầu bên phải, cố gắng nghiêng đầu qua bên phải, đồng thời tay phải dùng một lực đề kháng giữ đầu ở vị thế trung tính (đầu thẳng), thấy mỏi thì nghỉ. Lặp lại 15 lần.

* Bài tập 8: người bệnh ngồi dựa lưng vào ghế, tay trái đặt phía đầu bên trái, cố gắng nghiêng đầu qua bên trái đồng thời tay trái dùng một lực đề kháng giữ đầu ở vị thế trung tính (đầu thẳng), thấy mỏi thì nghỉ. Lặp lại 15 lần.

Làm 10 động tác thì được tính một đợt. Mỗi ngày người bệnh có thể làm 2- 3 đợt tùy tình trạng sức khỏe. Nếu động tác nào gây đau hay khó chịu thì ngưng động tác đó và báo chuyên viên vật lý trị liệu. Sau khi hết tê hay đau, người bệnh nên tiếp tục duy trì các bài tập để giúp cột sống cổ vững chắc hơn.

Sự kiện nổi bật